Trung tâm sàng lọc trước sinh Bionet Việt Nam

Sàng lọc trước sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm cho các bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

 

TRUNG TÂM SÀNG LỌC TRƯỚC SINH

BIONET VIỆT NAM

LỊCH THĂM KHÁM THAI NHẤT ĐỊNH MẸ PHẢI BIẾT

16:29:1721/12/2016

Khi nhận ra mình đã trễ kinh và que thử thai hiện lên 2 vạch việc đầu tiên các mẹ cần làm là đi khám thai! Việc khám thai rất quan trọng giúp mẹ và bác sĩ xác nhận chính xác mẹ đã mang thai và sự phát triển của em bé trong bụng mẹ có diễn ra bình thường hay không? Các mẹ nên được thăm khám đúng giai đoạn và đầy đủ để mang lại hiệu quả tốt nhất cũng như tiết kiệm chi phí!

1. Lịch thăm khám thai trong quý I thai kỳ: Siêu âm, xét nghiệm Double test.

      Quý I thai kỳ hay được hiểu là 3 tháng đầu tiên mang thai bắt đầu từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng đến 13 tuần 6 ngày! Nên nhớ rằng, tất cả các mốc thời gian dưới đây đều được tính theo ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng để tránh nhầm lẫn các mẹ nhé!

     Thử thai nhanh tại nhà: Với các mẹ có chu kỳ kinh tương đối đều từ 28 đến 32 ngày, việc tính toán chu kỳ kinh để nhận ra mình đã trễ kinh là khá dễ dàng. Trong trường hợp bạn dùng thuốc, hay đang thời kỳ khủng hoảng lo lắng thì kinh nguyệt có thể đến sớm hoặc muộn hơn. Thông thường, khi trễ kinh từ khoảng 4 ngày bạn có thể phát hiện được mình có thai chỉ bằng que thử nhanh. Một số trường hợp khác thì que thử thai sẽ hiện 2 vạch khi chậm kinh từ ngày 7 đến ngày 10. Để hiểu rõ hơn về cơ chế phát hiện mang thai bằng que thử nhanh bạn có thể tham khảo tại đây!

     Thăm khám lần đầu tiên: Mặc dù que thử thai tương đối chính xác và tiện dụng nhưng trong một số trường hợp việc xét nghiệm β – HcG và siêu âm trong lần thăm khám đầu tiên là rất cần thiết để xác nhận mẹ đã mang thai, tình trạng làm tổ của thai trong tử cung của mẹ. Trong lần thăm khám đầu tiên, bác sĩ cũng sẽ giúp mẹ tính tuổi thai dựa trên ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng. Tuổi thai là thời gian từ ngày đầu của kỳ kinh cuối tính đến ngày đi khám thai chính vì thế có thể mẹ sẽ rất ngạc nhiên khi mẹ vừa chỉ mới phát hiện mình có thai mà tuổi thai của em bé đã khoảng 5 – 7 tuần! Kỹ thuật siêu âm được áp dụng ở lần đầu này thường là kỹ thuật siêu âm đầu dò âm đạo, mẹ nên nhớ thả lỏng cơ thể và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để việc siêu âm được dễ chịu nhất nhé! Dựa vào hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ cho mẹ biết thai đã làm tổ chưa? Có thể mẹ sẽ quan sát thấy tim thai là 1 chấm nhỏ nháy đều trên màn hình,... Nếu mẹ đi siêu âm mà chưa thấy những điều này cũng đừng quá lo lắng, thai còn nhỏ nên bác sĩ sẽ hẹn mẹ quay lại vào 1 – 2 tuần tới khi thai đã lớn, làm tổ và hiện thị rõ ràng!

     Thăm khám giữa quý I: Một số mẹ sẽ được bác sĩ yêu cầu thăm khám giữa quý I vì thăm khám lần đầu thai quá nhỏ nên chưa đánh giá được hết tim thai, vị trí thai, số lượng thai,.... Trường hợp khác phổ biến hơn là thời gian giữa quý I, tình trạng nghén của mẹ thường nghiêm trọng nhất, đối với một số mẹ cần phải thăm khám để kiểm tra sự ảnh hưởng của nghén tới thai nhi và sức khỏe của mẹ để điều chỉnh kịp thời. Nếu mẹ cảm thấy mình nghén “nặng” đừng chần chừ mà tới thăm khám bác sĩ để nhận được những lời khuyên hoặc cải thiện tình hình của mình!

     Thăm khám và xét nghiệm sàng lọc dị tật quý I: Hẳn là mẹ đã từng nghe rất nhiều về Down, Edward, Patau và cũng khá lo lắng vì ai cũng có khả năng sinh con mắc những bệnh này đặc biệt là những mẹ lớn tuổi. Khác với những lần thăm khám trước, bây giờ em bé đã được khoảng 11 tuần cho đến 13 tuần 6 ngày là thời điểm thích hợp nhất để siêu âm và xét nghiệm xem liệu bé có nguy cơ mắc các dị tật trênkhông? Kỹ thuật siêu âm được áp dụng là siêu âm đo độ mờ da gáy sử dụng 1 đầu dò lướt nhẹ trên mặt bụng để quan sát hình ảnh thai nhi. Để hiểu thêm về cách đánh giá dị tật thai nhi dựa vào độ mờ da gáy có thể đọc thêm tại đây! Trong vòng 3 ngày kể từ khi siêu âm độ mờ da gáy mẹ cần thực hiện xét nghiệm Double test. Xét nghiệm Double test là xét nghiệm đo 2 chất sinh hóa trong máu mẹ kết hợp với các yếu tố tuổi mẹ, cân nặng, chiều cao,...của mẹ và các chỉ số siêu âm đo độ mờ da gáy để tính toán đưa ra nguy cơ mắc dị tật của thai nhi. Nếu kết quả là nguy cơ thấp mẹ có thể tương đối yên tâm, nếu kết quả là nguy cơ cao bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thực hiện Triple test vào tuần 16 hoặc làm luôn Panorama test để đối chiếu kết quả. Đọc bài viết so sánh này để dễ dàng lựa chọn cho mình phương án tốt nhất!

2. Lịch thăm khám thai trong quý II thai kỳ

     Quý II được tính từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 26 của thai kỳ. Giai đoạn này thai đã khá lớn việc thăm khám trong quý II thai kỳ phải kể đến gồm có:

     -    Siêu âm và xét nghiệm Tripble test sàng lọc dị tật Down, ống thần kinh. 

     -    Siêu âm dự kiến sinh và phát hiện khuyết tật 

     -    Khám dự phòng tiền sản giật

     -    Xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ

      Siêu âm và Triple Test nên được thực hiện cùng nhau vào khoảng tuần 14 đến 20. Tripble test cũng tương tự như Double test là đo 3 chất sinh hóa trong máu kết hợp với các yếu tố của mẹ và chỉ số siêu âm gần nhất của con để đánh giá nguy cơ mắc dị tật Down và ống thần kinh. Xét nghiệm này có độ chính xác không cao nên nếu mẹ nhận được kết quả con có nguy cơ cao mắc Down hay dị tật ống thần kinh sẽ được bác sĩ chỉ định làm Panorama test trước rồi chọc ối nếu kết quả vẫn là nguy cơ cao. Lựa chọn chọc ối hay không thì mẹ phải rất cân nhắc vì chọc ối tuy đơn giản nhưng cũng chứa rủi ro sảy thai 1 %. Đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về chọc ối và chỉ lựa chọn chọc ối khi thực sự cần thiết. 

     Siêu âm và phát hiện khuyết tật: Tuần 18 đến tuần 22 việc siêu âm sẽ giúp bác sĩ đo được các chỉ số, kiểm tra nhịp tim, nhịp thở của bé qua hình ảnh siêu âm. Em bé đã lớn hơn nhiều nên qua siêu âm một số khuyết tật như nứt đốt sống, thiếu não, sứt môi, hở hàm ếch,...sẽ được quan sát và dựa vào tình trạng thai mà mẹ sẽ nhận được lời khuyên từ bác sĩ. 

      Khám dự phòng tiền sản giật: Tiền sản giật là một trong những biến chứng thường gặp ở mẹ bầu khi với những biểu hiện: cao huyết áp, nước tiểu có chứa đạm, một số vị trí bị phù (mặt hoặc sưng húp quanh mắt, sưng phù bàn tay, sưng đột ngột hoặc sưng nặng ở bàn chân/mắt cá chân). Tiền sản giật có thể gây ra những cơn co giật rất nguy hiển cho tính mạng của mẹ và bé. Vì vậy, các mẹ sau tuần 20 sẽ được bác sĩ đo huyết áp và thực hiện xét nghiệm nước tiểu để phát hiện tiền sản giật và có biện pháp can thiệp sớm.

     Xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ: có nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường vì chế độ dinh dưỡng không cân đối. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp sẽ gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ ( gây tiền sản giật,…) và bé (các dị tật bẩm sinh, tử vong…). Thông thường từ tuần 24 – 28 là thời điểm mẹ bầu cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm sàng lọc Glucose trước tiên để sàng lọc các nguy cơ và xét kết quả xem mẹ có cần là các bước kiểm tra tiếp theo hay không. 

3. Lịch thăm khám thai trong quý III thai kỳ.

     Trong 3 tháng cuối, thời gian dự sinh của mẹ đến gần càng cần theo dõi sát sao để dự phòng trước cho những rủi ro có thể xảy ra trong lúc chuyến dạ. Việc thăm khám trong 3 tháng cuối thai kỳ giúp bác sĩ và mẹ có những đánh giá và sự điều chỉnh tốt nhất về chế độ ăn, sinh hoạt,.. của mẹ để chuẩn bị cho cuộc sinh được “mẹ tròn con vuông”. 

     Tiêm phòng uốn ván: Các mẹ bầu cần đi thăm khám và siêu âm định kì vào tuần 26 -28 của thai kỳ. Trong lần này mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván mũi đầu tiên hoặc mũi nhắc lại nếu đây là lần sinh thứ hai của mẹ. Nếu mẹ đã tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi chưa đến 5 năm thì sẽ không cần phải tiêm nữa.

     Xét nghiệm Nonstress Test (NST) đánh giá đáp ứng thai nhi: Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ thai nhi có bất thường trong đáp ứng thì mẹ bầu sẽ được làm xét nghiệm Nonstress test. Xét nghiệm này được thực hiện nhằm kiểm tra sức khỏe của bé, bé có nhận đủ oxy và đáp ứng bình thường với các kích thích hay không.

     Siêu âm Doppler đánh giá hệ tuần hoàn, tiêm uốn ván lần 2: từ tuần 31 đến 32, mẹ cần đi siêu âm Doppler – siêu âm màu 4D để bác sĩ đánh giá hệ tuần hoàn của bé có hoạt động tốt hay không? Các chỉ số khác về cân nặng, ngôi thai,… cũng được ghi nhận để đưa ra lời khuyên cho mẹ về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt những tuần cuối thai kỳ. Bác sĩ cũng dự đoán các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sinh. Mẹ sẽ được tiêm nhắc lại mũi uốn ván 2 ở lần này. 

     Siêu âm định hướng hình thức sinh: Ở tuần 35 đến 36, việc siêu âm sẽ giúp bác sĩ kiểm tra trọng lượng thai, nước ối, dây rốn… dựa vào đó định hướng phương án sinh phù hợp cho mẹ (sinh thường hay sinh mổ). Các dấu hiệu báo hiệu cuộc sinh sắp tới gần cũng sẽ được chú ý để cảnh báo mẹ bầu để mẹ tự theo dõi hoặc báo cho bác sĩ ngay khi phát hiện. Cuộc sinh có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn ngày dự sinh ban đầu. 
Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B: Cũng trong tuần 35 – 36 mẹ nên làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B. Liên cầu khuẩn nhóm B có thể gây nhiễm trùng máu và viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên nếu phát hiện trước cuộc sinh, bác sĩ có thể tiêm kháng sinh dự phòng trong lúc chuyển dạ cho thai phụ để đảm bảo em bé giảm tối đa nguy cơ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B từ mẹ và khỏe mạnh!

      Siêu âm theo dõi dấu hiệu chuyển dạ và cuộc sinh: Từ tuần thứ 37 cho đến lúc sinh bé, mỗi tuần mẹ đều nên thăm khám bác sĩ, siêu âm nếu cần thiết để tiếp tục đánh giá sự phát triển của bé, tim thai, cử động thai, ngôi thai, dây rốn, dịch ối…

      Thay lời kết: Mang thai là một trải nghiệm vất vả nhưng đầy thú vị và kỳ diệu! Để có được một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông mẹ cần nắm được những mốc thăm khám cơ bản và thực hiện thật tốt. Trong một số trường hợp có thể bạn sẽ phải thường xuyên thăm khám hơn nhưng đừng quá lo lắng, hãy chia sẻ với bác sĩ của bạn để có được lời khuyên và sự chăm sóc tốt nhất trong thai kỳ! Chúc bạn luôn vui khỏe và “cán đích” thành công!

Nguồn: Trung tâm sàng lọc trước sinh Bionet.

Tài liệu tham khảo:

1. http://tuvanditruyen.vn/thong-tin-khoa-hoc/cac-xet-nghiem-truoc-sinh/141/tong-quan-ve-cac-xet-nghiem-truoc-khi-sinh-phan-4.html

2. http://tudu.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/kham-thai-cham-soc-suc-khoe-ba-me-khi-mang-thai/

3.    http://ytevietnam.edu.vn/lich-kham-thai-dinh-ky-cho-ba-bau-cac-thai-phu-can-biet.html

 

 

*
*
Nhớ mật khẩu
Video
Hỗ trợ trực tuyến
0378161999
Online

TS.Luyện Quốc Hải

Online

ThS. Nguyễn Thị Hoài

Thống kê truy cập

Lượng truy cập hiện tại: 1

Lượng truy cập trong ngày: 1392

Tổng lượng truy cập: 5438664

Trung tâm sàng lọc trước sinh Bionet Việt Nam